Sau nhiều đồn đoán về việc mua lại Viễn Thông A, ngày 5/11, phía Vingroup đã chính thức xác nhận thông tin trên. Theo đó, Tập đoàn Vingroup sẽ nắm 100% tỷ lệ biểu quyết và 64,46% tỷ lệ lợi ích tại Viễn Thông A.
Đồng thời, bà Mai Thu Thủy, người từng nắm nhiều vai trò quan trọng tại Vingroup, sẽ thay thế ông Huỳnh Việt Thương đảm nhận chức vụ giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Viễn Thông A.
|
Việc mua lại Viễn Thông A được xem như bước đi tiếp theo của Vingroup nhằm chuẩn bị kênh phân phối cho điện thoại Vsmart. |
Viễn Thông A được thành lập vào tháng 11/1997, đến nay đã có gần 200 cửa hàng và 100 trung tâm bảo hành trên khắp Việt Nam. Trong vài năm qua, thị trường bán lẻ di động tại Việt Nam có dấu hiệu bão hoà. Cuộc đua mở shop, giành thị phần giữa các ông lớn, tiêu biểu là Thế Giới Di Động và FPT Shop dần đi đến hồi kết. Chiến thắng áp đảo thuộc về Thế Giới Di Động với hơn 40% thị phần tính đến 2018.
Trong bối cảnh đó, Viễn Thông A cùng với nhiều nhà bán lẻ cỡ trung khác như Nguyễn Kim, Trần Anh... lâm vào cảnh khó khăn. Trần Anh cũng đã được Thế Giới Di Động mua lại vào cuối 2017.
Việc mua lại Viễn Thông A được xem là động thái mới nhất của Vingroup mở rộng kênh phân phối cho điện thoại thương hiệu Vsmart. Trước đó, Vinsmart và công ty công nghệ châu Âu BQ đã ký hợp đồng hợp tác, thúc đẩy quá trình sản xuất các dòng smartphone theo chuẩn quốc tế.
Vingroup hiện sở hữu một hệ thống bán lẻ là Vinpro, ra mắt vào tháng 3/2015, gồm 2 mô hình kinh doanh VinPro và Vinpro+. Trong đó, Vinpro là các trung tâm công nghệ - điện máy, tọa lạc tại tất cả các trung tâm thương mại thuộc hệ thống Vincom. Vinpro+ là chuỗi cửa hàng công nghệ tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn.
Tính đến hết năm 2017, hệ thống Vinpro đã có tổng cộng 35 siêu thị trên toàn quốc. Hiện chưa rõ phía Vingroup có sáp nhập 2 hệ thống bán lẻ này lại hoặc đưa ra mô hình kinh doanh nào mới cho Viễn Thông A hay không.
Thế Anh