Theo mong đợi của nhiều người dân Đà Nẵng, việc nạo vét lòng sông Cổ Cò, nối liền Đà Nẵng và Hội An không chỉ mở ra những cơ hội phát triển du lịch Đà Nẵng, mà còn là chuyện khơi thông cả một dòng chảy lịch sử - văn hóa của vùng đất Quảng Nam Đà Nẵng năm xưa.
Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò đoạn qua địa phận Đà Nẵng thuộc danh mục các dự án của Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020
Về phía tỉnh Quảng Nam, dự án sông Cổ Cò đã có kế hoạch đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng; trong đó, Trung ương hỗ trợ 340 tỷ đồng.
Qua trao đổi tại buổi làm việc, hai địa phương thống nhất thời gian khớp nối, thông luồng toàn tuyến sông Cổ Cò từ Đà Nẵng – Hội An (Quảng Nam) trước tháng 9-2020.
Một số vấn đề kỹ thuật hạ tầng cũng được lãnh đạo hai địa phương chia sẻ như: các công trình hạ tầng hai bên bờ sông hai địa phương cần thống nhất các chuẩn thiết kế kỹ thuật về thông số khẩu độ thông thuyền của các cầu qua sông; thông số thiết kế hệ thống kè và đường hai bên bờ sông… bảo đảm sự đồng bộ trên toàn tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền lưu thông khu vực này; chia sẻ ý tưởng trong thiết kế kiến trúc để cùng tạo ra tính thẩm mỹ, điểm nhấn cảnh quan dọc tuyến sông.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đề xuất hai địa phương có sự phối hợp trong quy hoạch hệ thống các điểm dừng chân, vui chơi giải trí phục vụ phát triển du lịch dọc tuyến sông Cổ Cò một cách hiệu quả nhất, nhằm đẩy mạnh, khai thác tối đa tiềm năng du lịch đường sông của hai địa phương.
Tại cuộc họp, hai địa phương cũng thống nhất phương án thành lập Ban Điều phối Dự án khơi thông sông Cổ Cò do Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam làm Trưởng ban; thành viên là lãnh đạo các sở, ngành chức năng có liên quan của hai địa phương.
Cũng trong cuộc làm việc này, hai địa phương thống nhất chung trong xử lý ranh giới địa chính chồng lấn đất lâm nghiệp khu vực xã Tư, huyện Đông Giang (Quảng Nam) với xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng).