Khám phá trung tâm du lịch 4 tỷ USD ở Quảng Nam

Ngày đăng: 05:51 AM, 23-02-2018 1,868 lượt xem

“Cát trắng sắp hóa vàng” đó là câu cửa miệng mà người dân vùng Đông Quảng Nam nói với nhau trong dịp Tết này. Xuân 2018, đi trên tuyến đường Thanh Niên ven biển người dân không khỏi trầm trồ trước sự quy mô và đồ sộ của hàng loạt khu nghỉ dưỡng vừa hình thành. Dự án tổ hợp khách sạn, khu nghỉ dưỡng, casino... Nam Hội An được xây dựng với diện tích khoảng 1.000 ha nằm trên địa bàn 3 xã Duy Hải, Duy Nghĩa (H. Duy Xuyên) và xã Bình Dương (H. Thăng Bình), tỉnh Quảng Nam.

Một khu du lịch “Suối Tiên xứ Quảng” đang dần hình thành. 

Sau 2 năm chính thức triển khai xây dựng, cát trắng đang hồi sinh, đang cựa mình cùng với những dự án nơi đây. Tại H. Thăng Bình, Dự án Vingpearl Nam Hội An  được khởi công xây dựng từ tháng 3-2017 với số vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, quy mô xây dựng 200ha. Đây là quần thể nghỉ dưỡng “All in one – tất cả trong một” đầu tiên được cấp phép xây dựng tại tỉnh Quảng Nam. Sau khi hoàn thiện, dự án sẽ cung cấp ra thị trường 429 phòng khách sạn 5 sao và 132 căn biệt thự nghỉ dưỡng 5 sao có tầm nhìn hướng biển. 132 căn biệt thự được chia thành 6 khu với thiết kế vùng cung ôm trọn hồ cảnh quan. Từ nội khu dự án, du khách chỉ mất vài phút là đã có thể ra tới biển và cũng chỉ mất 10km để kết nối QL1A.

Mặc dù chưa hoàn thiện nhưng Tết này các chủ đầu tư tại đây vẫn tạo điều kiện để người dân được vào tham quan bên trong công trình. Những quả núi nhân tạo, những chiếc thuyền biểu tượng cho nghề biển, công viên nước, những công trình kiến trúc lô nhô mọc lên khác hẳn với những mái nhà thấp lè tè đã trở thành điểm đặc trưng của vùng bãi ngang ven biển. “Giống y như Suối Tiên trong Sài Gòn”, “Đẹp hơn chớ, Suối Tiên làm chi có biển như ri”, “Từ nay khỏi phải mơ đi đâu cho xa, Đầm Sen, Suối Tiên đất Quảng là đây chớ đâu”... Những lời bình phẩm từ những “vị khách” đầu tiên của Nam Hội An cũng chính là những người dân của xứ này. Cũng vì sinh ra lớn lên gắn liền với cái nghèo cái khổ nên việc dự án ra đời càng khiến họ ngỡ ngàng, phấn khởi. 

Vào TPHCM làm ăn đã gần chục năm, ông Nguyễn Văn Ái (quê Bình Dương, H. Thăng Bình) tâm sự: “Tôi về quê từ 26 Tết đi đâu cũng nghe người ta kể chuyện đổi thay của quê hương. Từ chuyện trúng giải tỏa đền bù tới chuyện khu du lịch mới ra đời.  Sẵn Tết cả nhà đi thăm công trình này cho biết. Nhìn thấy quê mình cát trắng nay đổi thay thế này thiệt ngỡ ngàng hết biết”. Còn vợ ông Ái vốn vẫn chân chất kiểu người dân vùng biển như chưa tin vào cái sự “đổi đời” của dân vùng bãi ngang bao đời nên hỏi lại: “Khu du lịch này xây xong mình được vào đây chơi à”. Câu hỏi ngây ngô nhưng phản ánh đúng suy nghĩ của người dân vùng đông khiến ai nấy đều bật cười.

Từ khu “Suối Tiên xứ Quảng” ngược về xã Duy Hải (H. Duy Xuyên) sẽ thấy những khu sân golf được phủ kín cỏ xanh chạy song song với bãi biển. Cũng tại đây hàng chục khu biệt thự cao cấp đã hoàn thiện mở ra một quang cảnh hiện đại ngay trên những nền cát trắng. Điểm nhấn của dự án Nam Hội An chính là hạng mục casino. Theo quan sát hạng mục này đang được xây dựng cơ bản với một quần thể kiến trúc xếp tầng độc đáo.

Theo ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, hiện các dự án đầu tư tại khu vực Nam Hội An được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam về đất đai hạ tầng, các loại thuế, chính sách tài chính tín dụng, chuyển giao công nghệ. Những dự án có quy mô lớn có vai trò quan trọng phát triển, đóng vai trò động lực thì ngoài những quy định chung, chính quyền Quảng Nam và Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai sẽ phối hợp với nhà đầu tư trình Chính phủ cho áp dụng những chính sách đặc thù để bảo đảm thu hút đầu tư và triển khai dự án đạt hiệu quả nhất.

 

Những mô hình thuyền buồm đang được xây dựng là điểm nhấn đặc trưng cho khu du lịch.

 

Nói về đổi thay mà dự án đem lại, ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho rằng khu du lịch này đang  đánh thức các tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương vốn “ngủ vùi” trong cát bấy lâu nay. Đối với một địa phương đa phần đều làm nông nghiệp thì đây chính là cơ hội chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiền đề cho chiếc cầu nối du lịch Hội An – Tam Kỳ. Song song với sự đổi thay vùng đông Thăng Bình là hàng loạt dự án khác đang được xúc tiến và sẽ khởi công như Khu công nghiệp Tam Thăng (Tam Kỳ) sẽ mở rộng thêm 260ha dịch chuyển về phía xã Bình Nam (Thăng Bình), dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp của Tập đoàn PRG cũng đang được triển khai quy hoạch chi tiết. Còn ông Nguyễn Công Dũng – Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên thì cho rằng dự án Nam Hội An là tấm áo mới cho vùng bãi ngang Duy Xuyên. “Dự án này đã kích hoạt chuỗi đô thị ven biển cho Quảng Nam trong đó các xã Duy Hải, Duy Nghĩa vốn là những địa phương khó khăn của huyện đã tìm được hướng phát triển cho mình. Trong thời gian tới khi dự án hoàn thành thì địa phương sẽ có nhiều phần việc phải làm để phát triển vùng dân cư cũng như tận dụng cơ hội du lịch lên Mỹ Sơn”.

Với những gì đã  và đang làm, bóng dáng của một trung tâm du lịch lớn tại Quảng Nam đang dần hoàn thiện. Trên hành trình ấy vẫn còn nhiều điều bất cập, vướng mắc, dang dở và chính quyền địa phương chắc chắn còn nhiều việc phải làm để  hài hòa lợi ích của người dân và hướng phát triển. Những ngày đầu xuân đi trên những con đường mới, nhìn ngắm một khu du lịch hiện đại bậc nhất cả nước đang dần thành hình khiến ai cũng phấn khởi. Nhiều người tin rằng, chỉ nay mai, Nam Hội An sẽ là một trung tâm du lịch tầm cỡ của Việt Nam.