Bỉ mang thực phẩm thông minh vào Đà Nẵng

Ngày đăng: 06:56 PM, 25-03-2019 1,062 lượt xem

Ngày 22-3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì tiếp ông Paul Jansen - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, Tổ chức Rikolto (Vương quốc Bỉ), Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các đơn vị liên quan về chiến lược xây dựng thành phố thực phẩm thông minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030 tại Đà Nẵng. 

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Bỉ tại Việt Nam Paul Jansen phát biểu

Tại buổi tiếp, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Bỉ tại Việt Nam Paul Jansen cho rằng, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm hiện đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người dân tại Việt Nam. Các sự cố nhiễm bẩn thực phẩm và sự gia tăng bệnh tật có nguồn gốc từ thực phẩm đã làm gia tăng sự nghi ngại của người tiêu dùng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ của các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ.

Trong thời gian qua, Chính phủ Vương quốc Bỉ và Tổ chức Rikolto đã triển khai thực hiện các chương trình, dự án sản xuất rau an toàn tại nhiều địa phương ở Việt Nam. Người nông dân sau khi tham gia dự án đã được tăng cường khả năng tiếp cận của nông dân trong việc phát triển chuỗi nông nghiệp bền vững. Cùng với việc cải thiện đời sống, các hộ nông dân nghèo đã nâng cao nhận thức về sản xuất rau an toàn, tự giác nghiêm túc tuân thủ các quy trình sản xuất theo quy định và hạn chế lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Với thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp về an toàn thực phẩm và công nghệ chế biến của nông nghiệp Bỉ, ông Paul Jansen cho biết, trong thời gian tới, Đại sứ quán và Tổ chức Rikolto (Vương quốc Bỉ) sẽ xúc tiến triển khai các chương trình, dự án viện trợ trên địa bàn thành phố nhằm hỗ trợ chuyển giao công nghệ chế biến thực phẩm đến người nông dân. Từ đó, cung cấp cho thị trường thực phẩm tại Đà Nẵng những sản phẩm đảm bảo chất lượng, đảm bảo sự tin tưởng của người tiêu dùng.  

Đại sứ Paul Jansen hy vọng việc thực hiện chiến lược xây dựng thành phố thực phẩm thông minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030 tại Đà Nẵng sẽ góp phần tích cực trong việc đảm bảo cung ứng thực phẩm sạch trên địa bàn và góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố thực phẩm thông minh, giải quyết tốt vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh trao quà lưu niệm cho Ngài Đại sứ Paul Jansen

Thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh cảm ơn sự quan tâm của Đại sứ quán Vương quốc Bỉ, quỹ SCF đối với Đà Nẵng nói chung và lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm nói riêng; đặc biệt là sự hợp tác, hỗ trợ của Tổ chức Rikolto (Vương quốc Bỉ) tại Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.

Trong năm 2018-2019, Quỹ Nghiên cứu và Tư vấn của Chính phủ Bỉ (SCF) tài trợ cho Đà Nẵng thực hiện dự án “Phân tích chuỗi giá trị và xây dựng chiến lược thành phố thực phẩm thông minh đến năm 2025 và tầm nhìn 2030” với các hoạt động: hỗ trợ tư vấn thực thi chiến lược (xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án thí điểm có sự tham gia của các bên, tư vấn xây dựng chính sách). Đồng thời, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi học tập kiến thức, học hỏi giữa các thành phố thực phẩm thông minh, đào tạo nguồn nhân lực và những vấn đề có liên quan để thực hiện chiến lược xây dựng thành phố thực phẩm thông minh, sớm đưa thành phố Đà Nẵng đủ điều kiện tham gia vào mạng lưới thành phố thực phẩm thông minh toàn cầu Milanpact.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, qua hơn 1 năm thực hiện xây dựng thành phố an toàn thực phẩm trong Chương trình "4 an", hiện Đà Nẵng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm tươi sống như rau, trái cây, thủy sản, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản…  Cùng với đó, với đặc điểm sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tươi sống và dịch vụ thức ăn đường phố phần lớn nhỏ lẻ, đại bộ phận hộ gia đình tham gia... nên công tác kiểm soát, giám sát của cơ quan chức năng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch đề nghị Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố tiếp tục nghiên cứu để phát triển các cơ hội hợp tác giữa Ban quản lý thực phẩm với tổ chức Rikolto trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian tới. Các sở, ngành phối hợp với Học viện nông nghiệp Việt Nam bổ sung, sửa đổi các nội dung tư vấn để phù hợp trong quản lý hệ thống Quản lý an toàn thực phẩm của thành phố.

Sở Công thương tham mưu các chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy việc xây dựng văn hóa kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của các tác nhân trong hệ thống thực phẩm, chú trọng phát triển mô hình công ty kinh doanh ẩm thực khép kín. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ban Quản lý an toàn thực phẩm lập xây dựng đề án chương trình giáo dục học đường về an toàn vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng để thực hiện trong năm 2019. Đặc biệt, Sở Thông tin và truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm và các sở ngành tham mưu chính sách, các đề án nhằm thúc đẩy việc áp dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực quản lý, sản xuất, chế biến, kinh doanh và phân phối thực phẩm; đề xuất chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển và áp dụng công nghệ thông minh, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường vào lĩnh vực thực phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm.